trang chủ Tin tức Thủ tục đổi bằng lái xe ô tô nhanh nhất năm 2023

Thủ tục đổi bằng lái xe ô tô nhanh nhất năm 2023

Nếu bạn sắp hết hạn hoặc bị hỏng, mất sẽ buộc phải cấp mới hoặc đổi Giấy phép lái xe (bằng lái xe) theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, chuyển đổi số diễn ra trên mọi lĩnh vực nên việc cắt giảm thủ tục hành chính giúp người dân dễ dàng hơn, trong đó có việc cấp, đổi bằng lái xe. Không cần phải đến tận cơ quan chức năng, người dân có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến để làm hồ sơ cấp, đổi bằng lái xe ô tô.

Những trường hợp phải cấp, đổi bằng lái xe ô tô mới

Thủ tục đổi bằng lái xe ô tô nhanh nhất năm 2023, trường hợp nào bắt buộc phải đổi theo quy định - Ảnh 1.

Thủ tục đổi bằng lái xe ô tô nhanh nhất năm 2023. Ảnh Khải Phạm.

Sau thời gian sử dụng, sẽ có nhiều trường hợp người dân buộc phải cấp, đổi bằng lái xe theo đúng quy định của pháp luật. Theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT và Luật Giao thông đường bộ 2008 sẽ có một số trường hợp người dân phải cấp, đổi mới bằng lái xe ô tô năm 2023.

- Đổi bằng lái xe khi hết hạn: Việc này buộc phải làm trước khi hết hạn sử dụng để có thể điều khiển xe đúng quy định.

- Bằng lái xe nhựa bị hỏng: Những trường hợp sử dụng bằng lái xe cũ bằng nhựa PET bị hỏng, mờ thông tin sẽ phải đổi mới, nếu còn thời hạn không bị hỏng vẫn sử dụng bình thường.

- Thông tin trên bằng lái xe không trùng khớp với căn cước công dân (ngày, tháng, năm sinh...)

- Người có giấy phép lái xe hạng E đủ 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ đã hết tuổi lái xe quy định loại bằng, nhưng sẽ lái được những xe được quy định ở bằng D trở xuống.

- Người nước ngoài có giấy chứng minh ngoại giao, thẻ thường trú với thời gian từ 03 tháng trở lên, có giấy phép lái xe quốc gia còn thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu lái xe ở Việt Nam được xét đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam.

- Khách du lịch nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam đã có bằng lái xe ở quốc gia mang quốc tịch còn thời hạn.

- Người mang quốc tịnh Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài được nước ngoài cấp giấy phép lái xe quốc gia, còn thời hạn sử dụng khi về nước muốn đổi sang bằng lái xe tương ứng.

- Người có bằng lái xe hạng FD, FE do ngành Giao thông vận tải cấp lần đầu trước ngày 1/7/2009, trong trường hợp muốn điều khiển xe ô tô tải kéo rơ moóc hoặc xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc được đổi bổ sung hạng FC.

Những trường hợp không đổi được giấy phép lái xe mẫu mới

- Giấy phép lái xe tạm thời của nước ngoài; GPLX quốc tế; GPLX của nước ngoài, quân sự, công an quá thời hạn sử dụng, bị tẩy xóa, rách nát không còn đủ các yếu tố cần thiết để đổi giấy phép lái xe hoặc có sự khác biệt về nhận dạng; GPLX nước ngoài không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

- Giấy phép lái xe của ngành GTVT nhưng không có trong hệ thống thông tin GPLX, bảng kê danh sách, sổ quản lý cấp GPLX;

- Quyết định ra quân tính đến ngày làm thủ tục đổi quá thời hạn 06 tháng đối với GPLX quân sự do Bộ Quốc phòng cấp;

- Người không đủ tiêu chuẩn sức khỏe.

Thủ tục cấp, đổi bằng lái xe ô tô

Người dân mốn cấp, đổi bằng lái xe có thể lựa chọn nộp hồ sơ đổi gồm:

- Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp GPLX;

- Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở GTVT nơi sinh sống, đang ở, làm việc;

- Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh, Tp thuộc Trung ương nơi sinh sống, đang ở, làm việc;

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Người dân có nhu cầu đổi cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

- Giấy chứng nhận sức khỏe do Bệnh viện đa khoa hoặc Phòng khám đa khoa có đủ điều kiện cấp, thời gian khám sức khỏe trong vòng 6 tháng trở lại (trừ  trường hợp đổi giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 hoặc tách giấy phép lái xe thì không cần giấy này).

- Xuất trình Giấy phép lái xe (nếu còn), chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số CMND, CCCD (đối với người Việt Nam) hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài

- Đơn đề nghị đổi, cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu. (ghi thông tin và ký tại chỗ, không cần xác nhận).

- Hồ sơ thi GPLX gốc (trong trường hợp bị mất bằng làm lại, nếu có thì cầm theo, không bắt buộc vì dữ liệu GPLX đã có sẵn trên hệ thống của Bộ GTVT).

Sau khi nộp hồ sơ, người đổi bằng được chụp ảnh tại chỗ và thu lại giấy phép lái xe cũ (nếu có) (trừ GPLX do nước ngoài cấp) để cắt góc và giao lại tự bảo quản.

- Thời gian đổi GPLX: không quá 05 ngày làm việc (không tính thứ 7, CN). (Theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ)

- Đúng ngày hẹn, đến xuất trình CMND, giấy hẹn và lấy GPLX mới.

- Nếu đăng ký đổi GPLX trực tuyến mang mạng internet (cấp độ 3 hoặc cấp độ 4) thì làm các thủ tục đổi. Sau đó theo ngày hẹn, địa điểm đã đăng ký, đến trực tiếp để chụp hình, đóng lệ phí và nhận bằng.

Lệ phí cấp đổi Giấy phép lái xe theo mẫu mới là 135.000 đồng. (Thông tư 188/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp bằng). Nếu đổi bằng lái xe ô tô thì đóng thêm lệ phí khám sức khỏe đối với người lái xe (không bao gồm xét nghiệm, X-quang): 160.000 đồng/người (quy định tại Thông tư 37/2018/TT-BYT và các văn bản sửa đổi về mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh).

Nếu không thể trực tiếp làm thủ tục đổi bằng lái, người dân cũng có thể đổi trực tuyến tại đây: https://dichvucong.gplx.gov.vn/faces/registration/home.xhtml.

(Theo danviet.vn)